Thoái hóa đốt sống cổ đang là một căn bệnh phổ biến hiện nay, ảnh hưởng nhiều tới khả năng vận động và sinh hoạt của người mắc đặc biệt khi bệnh đã có biến chứng. Chính vì thế, không ít người đã tìm đến phương pháp phẫu thuật thoái hóa đốt sống cổ với mong muốn chữa khỏi bệnh. Hãy theo dõi bài viết dưới đây để có được những thông tin cần thiết về phẫu thuật thoái hóa đốt sống cổ nhé.
Mục lục
- Thoái hóa đốt sống cổ là gì?
- Thoái hóa đốt sống cổ có cần phẫu thuật không?
- Chi phí phẫu thuật thoái hóa đốt sống cổ
- Các phương pháp phẫu thuật thoái hóa đốt sống cổ
- Biến chứng của phẫu thuật thoái hóa đốt sống cổ
- Phẫu thuật có chữa khỏi hoàn toàn thoái hóa đốt sống cổ không?
- Lưu ý khi phẫu thuật thoái hóa đốt sống cổ
- Một số cơ sở phẫu thuật thoái hóa đốt sống cổ uy tín
Thoái hóa đốt sống cổ là gì?
Thoái hóa đốt sống cổ là một bệnh lý mạn tính thường bắt đầu bằng tình trạng tổn thương sụn khớp, dây chằng cạnh đốt sống dẫn tới cột sống cổ chuyển động một cách khó khăn, người bệnh gặp đau đớn và hạn chế khi vận động cổ.
Không dừng ở đó, theo tiến triển của bệnh các tổn thương đặc trưng của thoái hóa đốt sống cổ: hình thành gai xương, biến đổi cấu trúc xương dưới sụn và các tổn thương cạnh khớp đi kèm dần xuất hiện gây ra các biến chứng nguy hiểm là chèn ép các rễ thần kinh mạch máu, hẹp ống sống thắt lưng. Ở giai đoạn này người bệnh thường có biểu hiện tê, bì chân tay, yếu các cơ,… lâu dần có thể dẫn tới bại liệt.
☛ Chi tiết hơn tại bài viết: Bệnh thoái hóa đốt sống cổ
Thoái hóa đốt sống cổ có cần phẫu thuật không?
Phẫu thuật thoái hóa đốt sống cổ sẽ giúp loại bỏ được các gai xương, thay thế đĩa đệm bị thoát vị thoái hóa, cắt bỏ được một phần đốt sống cổ giải phóng các chèn ép thần kinh, ống sống.
Thông thường, thoái hoá cổ không cần phẫu thuật. Tuy nhiên, nếu thoái hoá đi kèm các tổn thương khác như thoát vị đĩa đệm hoặc tạo gai xương chèn ép rễ thần kinh gây biến chứng thì phẫu thuật là cần thiết để giúp người bệnh phục hồi được chức năng vận động bình thường của đốt sống cổ, giảm biến chứng.
Đối với thoái hóa đốt sống cổ, tùy từng tình trạng bệnh nặng hay nhẹ mà bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Phẫu thuật thoái hóa đốt sống cổ thường được chỉ định trong các trường hợp bệnh đã nặng có biến chứng mà điều trị bằng các phương pháp khác không cải thiện được. Cụ thể là:
- Thoái hoá đốt sống cổ nặng gây cứng cổ, mất tầm vận động cổ.
- Thoái hóa đốt sống cổ có biến chứng gây yếu liệt các chi.
- Các rễ thần kinh và tủy sống bị chèn ép nặng khiến cho người bệnh bị đau nhức không thể chịu đựng, được chỉ định phẫu thuật thoái hóa đốt sống cổ để giảm chèn ép và giảm đau.
- Thoát vị đĩa đệm cổ: chỉ định phẫu thuật trong trường hợp hai tay và hai chân bị rối loạn chức năng.
- Vùng tủy cổ bị chèn ép do thoát vị đĩa đệm: khiến cho cánh tay bị tê liệt, mất khả năng kiểm soát hoạt động của ruột, sinh hoạt tình dục bị rối loạn, khả năng tiểu tiện mất kiểm soát,… Trường hợp này cần phải tiến hành phẫu thuật thoái hóa đốt sống cổ sớm để cải thiện tình trạng bệnh và tránh bệnh có thể tiến triển gây bại liệt.
☛ Chi tiết hơn: Biến chứng nguy hiểm của thoái hóa đốt sống cổ
Chi phí phẫu thuật thoái hóa đốt sống cổ
Hẳn không ít người lo lắng về chi phí phẫu thuật thoái hóa đốt sống cổ, dưới đây là chi phí trung bình cho một ca phẫu thuật mọi người có thể tham khảo:
- Thăm khám và chẩn đoán hình ảnh (phim Xquang hoặc phim cộng hưởng từ MRI): 500.000-1.500.000 đồng.
- Tùy vào từng phương pháp phẫu thuật và các thiết bị cần thiết cuộc phẫu thuật sẽ có chi phí khác nhau:
- Mổ thường: chi phí phẫu thuật sẽ dao động trong khoảng từ 15-20 triệu đồng/ca.
- Mổ nội soi: chi phí thường đắt hơn, dao động trong khoảng từ 20-40 triệu đồng/ca.
- Chi phí nằm viện, thuốc, chăm sóc bệnh nhân: khoảng 5-10 triệu đồng.
Tuy nhiên bạn không cần quá lo lắng về chi phí, vì khi thực hiện phẫu thuật tại các cơ sở bệnh viện đúng tuyến có bảo hiểm y tế thì chi phí sẽ được giảm đáng kể.
Các phương pháp phẫu thuật thoái hóa đốt sống cổ
Cân nhắc từng trường hợp thoái hóa đốt sống cổ cũng như tình trạng và mong muốn của người bệnh, bác sĩ sẽ hội chẩn lựa chọn phương pháp phẫu thuật phù hợp. Các phương pháp phẫu thuật thoái hóa đốt sống cổ thường được áp dụng hiện nay là:
Mổ mở
Mổ mở hay mổ phanh, là một phương pháp phẫu thuật truyền thống, bác sĩ sử dụng dao kéo tạo ra một vết mổ lớn trên da vùng cổ của bệnh nhân sau đó tìm đến đốt sống cổ bị thoái hóa và giải phóng sự chèn ép lên các rễ thần kinh vùng cổ.
Với phương pháp này, người bệnh phải chịu vết thương lớn trên da mang lại nhiều đau đớn, đồng thời thời gian phẫu thuật và quá trình phục hồi sau phẫu thuật thường lâu hơn so với những phương pháp khác. Nghiêm trọng hơn, mổ mở có thể khiến bệnh nhân gặp nhiều biến chứng như nhiễm trùng vết thương, chảy máu vết khâu,…
Mổ nội soi
Mổ nội soi là một phương pháp phẫu thuật hạn chế xâm lấn và ít chảy máu, bác sĩ thực hiện chỉ với một đường rạch nhỏ ở gáy khoảng 1cm để đưa ống trocar vào và thực hiện bóc tách các cơ tìm đến đốt sống cổ bị thoái hóa để loại bỏ chèn ép thần kinh. Bác sĩ sẽ quan sát trên màn hình thông qua một camera được được vào qua troca.
So với mổ mở, phẫu thuật nội soi đốt sống cổ có mức độ an toàn cao hơn khi không làm ảnh hưởng tới cơ, mạch máu, các dây thần kinh bên cạnh đốt sống cổ nhưng vẫn giải quyết được vấn đề của thoái hóa đốt sống cổ. Người bệnh ít phải chịu đau đớn sau phẫu thuật, quá trình hồi phục cũng ít gặp biến chứng hơn. Tuy nhiên chi phí mổ nội soi sẽ tốn kém hơn.
Phẫu thuật cắt bỏ một phần đốt sống cổ trước
Ở phương pháp này, bác sĩ sẽ thực hiện một vết mổ nhỏ ở phía trước cổ để có đường đến đốt sống cổ. Nếu phẫu thuật cần tác động đến một vùng rộng hơn, bác sĩ sẽ thực hiện một vết mổ nghiêng hoặc dài hơn.
Các mô mềm được tách dần ra bộc lộ đốt sống cổ, bác sĩ sẽ tiến hành loại bỏ đĩa đệm và một phần đốt sống cổ và thay thế vào đó là mảnh xương nhỏ hoặc một thiết bị có tác dụng gắn kết đốt sống. Sau một thời gian nhất định, các đốt sống có thể kết nối lại với nhau.
Phẫu thuật cắt bỏ một phần đốt sống cổ
Phương pháp phẫu thuật này được thực hiện trong trường hợp thoái hóa đốt sống cổ gây chèn ép lên tủy sống. Bác sĩ sẽ thực hiện một vết mổ có kích thước rộng để dễ dàng cắt bỏ một phần đốt sống cổ. Sau đó, các đốt sống cổ sẽ được nối lại bằng thiết bị có tác dụng gắn kết.
Phương pháp phẫu thuật cắt bỏ một phần đốt sống cổ giúp giải phóng áp lực lên thần kinh, tủy sống, từ đó cải thiện các triệu chứng chèn ép mà người bệnh gặp phải.
Phẫu thuật cố định cột sống
Phương pháp này được áp dụng khi thoái hóa đốt sống cổ đã chuyển sang giai đoạn nặng, cột sống bị biến dạng. Bác sĩ sẽ thực hiện cố định hai hoặc nhiều đốt sống liền kề bằng cách hàn nối các mảnh ghép xương. Sau đó, các đốt sống được cố định lại bằng ốc vít và kim loại.
Phương pháp này mang lại hiệu quả cao trong việc nắn chỉnh lại hình dạng sinh lý của cột sống cổ, cải thiện các triệu chứng của thoái hóa đốt sống cổ, người bệnh có thể vận động và di chuyển tiện lợi hơn.
Phẫu thuật thay thế đĩa đệm nhân tạo
Đĩa đệm nhân tạo là một miếng ghép được dùng để thay thế đĩa đệm bị tổn thương, co hẹp hay thoát vị, không có khả năng phục hồi. Bằng cách cắt bỏ đĩa đệm bệnh lý và đưa đĩa đệm nhân tạo vào khoảng gian giữa 2 đốt sống cổ liền kề.
Phương pháp này giúp cải thiện các vận động cổ, giảm áp lực lên bề mặt khớp khi người bệnh vận động và duy trì đường cong tự nhiên của cột sống cổ. Thời gian phục hồi của người bệnh sau khi thực hiện phẫu thuật là 6 tháng.
Phẫu thuật ở phía sau cổ
Bác sĩ thực hiện một đường mổ dọc phía sau cổ, tách các cơ bộc lộ cột sống cổ. Sử dụng mũi khoan với tốc độ cao để loại bỏ lớp mặt, rễ thần kinh được di chuyển qua một bên. Sau đó, bác sĩ tiến hành giải phóng hoặc loại bỏ một phần đĩa đệm lớn bị thoát vị nằm bên cạnh cột sống, cắt bỏ gai xương giúp làm giảm tình trạng chèn ép lên các dây thần kinh.
Biến chứng của phẫu thuật thoái hóa đốt sống cổ
Sau khi phẫu thuật thoái hóa đốt sống cổ người bệnh có thể phải đối diện với một số biến chứng sau:
Nhiễm trùng sau phẫu thuật
Sau phẫu thuật nếu vết mổ không được vệ sinh cẩn thận có thể dẫn đến tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn xâm nhập. Vị trí nhiễm trùng có thể ở vùng da bị rạch khi phẫu thuật, nghiêm trọng hơn khi nhiễm trùng xuất hiện bên trong vết thương, tại các đĩa đệm hoặc các đốt sống cổ.
Khi có hiện tượng nhiễm trùng, vết mổ thường bị sưng, nóng, đỏ, đau nhiều và chảy dịch mủ. Bạn cần báo lại với bác sĩ những bất thường để có hướng xử trí kịp thời.
Đau sau phẫu thuật
Do vết rạch da trong quá trình phẫu thuật, mô mềm tách ra để bộc lộ đốt sống cổ gây tác động đến những dây thần kinh xung quanh khu vực mổ, do vậy các cơn đau có thể xuất hiện dai dẳng sau khi phẫu thuật gây khó chịu cho người bệnh.
Bạn cũng nên báo lại với bác sĩ nếu các cơn đau dữ dội không thể chịu được để có phương án sử dụng thuốc giảm đau.
Đau nhức quanh cổ tái phát
Đối với những cuộc phẫu thuật thoái hóa đốt sống cổ thành công nhưng người bệnh lại không tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ về việc sử dụng thuốc, vật lý trị liệu, ăn uống khoa học, nghỉ ngơi hợp lý, và những lưu ý khi vận động,… thì người bệnh có thể vẫn bị làm phiền bởi các cơn đau nhức vùng cổ, đốt sống cổ, cường độ nhẹ và thường xuất hiện nhiều vào những ngày “trái gió trở trời”.
Phẫu thuật có chữa khỏi hoàn toàn thoái hóa đốt sống cổ không?
Thoái hóa đốt sống cổ cũng được coi như là một quá trình lão hóa khi mà theo thời gian sụn khớp sẽ bị bào mòn không thể hồi phục, đĩa đệm dần bị mất nước, sự tưới máu tại đốt sống cổ giảm dần. Vậy nên hiện nay, thoái hóa đốt sống cổ là căn bệnh chưa có phương pháp điều trị khỏi hoàn toàn.
Chính vì thế phẫu thuật thoái hóa đốt sống cổ cũng chỉ là một phương pháp giúp cải thiện tình trạng bệnh, ngăn ngừa các biến chứng, khôi phục khả năng vận động và sinh hoạt của người bệnh. Bạn hoàn toàn có thể bị thoái hóa đốt sống cổ tái phát sau khi phẫu thuật.
Lưu ý khi phẫu thuật thoái hóa đốt sống cổ
Phẫu thuật thoái hóa đốt sống cổ là một phẫu thuật lớn và tiềm ẩn nhiều rủi ro vì thế, bạn nên lưu ý các điều quan trọng sau:
Trước khi phẫu thuật thoái hóa đốt sống cổ
Vì đây là một phẫu thuật lớn và có độ khó cao, vậy nên trước khi tiến hành phẫu thuật thoái hóa đốt sống cổ bạn cần lưu ý:
- Cần khám, làm các xét nghiệm cận lâm sàng để nắm rõ tình trạng sức khỏe của bản thân trước khi mổ. Một số bệnh lý mạn tính như cao huyết áp, suy tim, xơ gan mất bù,… cần cân nhắc kỹ trước khi phẫu thuật.
- Cần lắng nghe tư vấn của bác sĩ chuyên khoa xương khớp đánh giá về tình trạng thoái hóa đốt sống cổ của bạn có cần phẫu thuật không, cũng như các thông tin liên quan đến hiệu quả sau phẫu thuật và rủi ro.
- Lựa chọn các cơ sở y tế uy tín, chất lượng hàng đầu, với đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao để thực hiện phẫu thuật thoái hóa đốt sống cổ.
- Giữ tâm lý thoải mái, tránh căng thẳng, nặng nề trước khi thực hiện phẫu thuật thoái hóa đốt sống cổ.
Sau khi phẫu thuật thoái hóa đốt sống cổ
Để đảm bảo hiệu quả cải thiện thoái hóa đốt sống cổ và quá trình phục hồi sau phẫu thuật, người bệnh cần đặc biệt lưu ý các vấn đề sau:
- Nên nghỉ ngơi tại bệnh viện 1 – 2 tuần sau khi phẫu thuật để được nhân viên y tế theo dõi và điều trị các biến chứng nếu có. Người bệnh nên kết hợp tự theo dõi bản thân và báo với bác sĩ khi có những dấu hiệu bất thường.
- Thực hiện theo đúng y lệnh của bác sĩ. Không nên nằm quá lâu một chỗ, nên đứng nên đi lại nhẹ nhàng.
- Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, bổ sung các loại thực phẩm giàu canxi, chất xơ, omega-3, vitamin A, D, C,…giúp bổ sung dinh dưỡng cho xương khớp và phục hồi sức khỏe. Không nên sử dụng chất kích thích gây ảnh hưởng xấu đến quá trình hồi phục.
- Thực hiện nằm, ngồi, nghỉ ngơi đúng tư thế, tránh làm tổn thương đến cột sống cổ, nên kết hợp với các bài tập vật lý trị liệu, yoga tốt cho đốt sống cổ. Tuy nhiên bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tập.
- Đi khám định kỳ 3-6 tháng một lần để theo dõi sau phẫu thuật và phát hiện các nguy cơ nếu có.
☛ Tham khảo thêm tại: Thoái hóa đốt sống cổ nên ăn gì và kiêng gì?
Một số cơ sở phẫu thuật thoái hóa đốt sống cổ uy tín
Khi quyết định phẫu thuật thoái hóa đốt sống cổ, bạn nên lựa chọn những cơ sở y tế uy tín, chất lượng, đội ngũ bác sĩ có chuyên môn tay nghề cao để tiến trình phẫu thuật diễn ra an toàn, hiệu quả, hạn chế những biến chứng không mong muốn.
Dưới đây là một số cơ sở phẫu thuật thoái hóa đốt sống cổ uy tín chất lượng hàng đầu, bạn có thể tham khảo:
– Bệnh viện Việt Đức
Đây được xem là trung tâm ngoại khoa hàng đầu Việt Nam với đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao và cơ sở vật chất hiện đại. Đây chắc chắn là địa chỉ phẫu thuật thoái hóa đốt sống cổ uy tín chất lượng dành cho bạn.
Địa chỉ: số 40 phố Tràng Thi, phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.
– Bệnh viện Trung ương Quân đội 108
Là bệnh viện tuyến cuối của quân đội ở khu vực phía Bắc, bệnh viện Trung ương Quân đội 108 chắc chắn là một địa chỉ phẫu thuật cột sống cổ uy tín chất lượng bạn có thể tham khảo.
Địa chỉ: Số 1 phố Trần Hưng Đạo – phường Bạch Đằng – quận Hai Bà Trưng – thành phố Hà Nội.
– Bệnh viện Trung ương Huế
Bệnh viện Trung ương Huế là một trung tâm y tế chuyên sâu, điều trị tuyến trung ương của khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Đây chắc chắn là cơ sở y tế với đội ngũ bác sĩ có chuyên môn và kinh nghiệm cho bạn sự yên tâm khi phẫu thuật thoái hóa đốt sống cổ.
Địa chỉ: số 16 đường Lê Lợi, phường Vĩnh Ninh, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.
– Bệnh viện Chợ Rẫy
Đây là bệnh viện đa khoa trung ương cấp Quốc Gia, một trong những bệnh viện hạng đặc biệt lớn nhất Việt Nam với cơ sở vật chất hiện đại, đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao. Bạn chắc hẳn sẽ không cần lo lắng nhiều khi thực hiện phẫu thuật thoái hóa đốt sống cổ tại đây.
Địa chỉ: 201B Nguyễn Chí Thanh, Quận 5, TP Hồ Chí Minh.
Lời kết:
Phẫu thuật thoái hóa đốt sống cổ là một phẫu thuật lớn vì thế bạn cần cân nhắc lựa chọn những cơ sở uy tín chất lượng để thực hiện cũng như cần chú ý chăm sóc bản thân để đảm bảo hiệu quả của cuộc phẫu thuật.
Tài liệu tham khảo:
https://suckhoehangngay.vn/tim-hieu-ve-mo-thoai-hoa-dot-song-co-khi-nao-can-va-phuong-phap-mo-20190707230516141.htm
https://wikibacsi.com/benh/mo-thoai-hoa-dot-song-co